"Tự tin lập nghiệp"- đào tạo nghề giai đoạn hậu covid
"Tự tin lập nghiệp"- đào tạo nghề giai đoạn hậu Covid
Link Báo VOV: https://vov2.vov.vn/giao-duc-dao-tao/tu-tin-lap-nghiep-dao-tao-nghe-giai-doan-hau-covid-33377.vov2
[VOV2] - “Tự tin lập nghiệp” là dự án đào tạo nghề do tổ chức Plan tại Việt Nam phối hợp cùng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội triển khai miễn phí cho thanh niên độ tuổi dưới 30.
Dưới sự tài trợ của Google, tổ chức Plan tại Việt Nam phối hợp cùng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội triển khai khóa học nghề 3 tháng thuộc dự án "Tự tin lập nghiệp". Các nghề được đào tạo thuộc nhóm công việc thị trường đang có nhu cầu cao gồm: Trang điểm thẩm mỹ, vẽ móng nghệ thuật, thiết kế tạo mẫu tóc và chăm sóc da.
Các lớp học thường diễn ra trong những ngày cuối tuần, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên tham gia. Theo cô giáo Nguyễn Thị Lan, giáo viên khoa Trung cấp và Sư phạm dạy nghề, trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, kỹ năng nghề được đào tạo ở khóa học này cùng lúc có rất nhiều ích lợi. Trước hết, học viên có thể làm đẹp cho chính bản thân, các thành viên gia đình và mở ra cơ hội thu nhập khá tốt.
"Khi có tay nghề, nếu không đủ khả năng mở trung tâm riêng, các bạn hoàn toàn có thể xách đồ đi làm cá nhân. Thường thì công việc trang điểm sẽ đến rất tình cờ. Kiểu như bạn trang điểm cho vài người quen, rồi người này giới thiệu người kia. Có uy tín rồi thì công việc nhiều khi làm không xuể”, cô Lan chia sẻ từ thực tế.
Lớp học trang điểm cô Lan phụ trách có gần 30 học viên, thành phần khá đa dạng. Nhiều bạn trong đó hiện đang làm một công việc khác và có nhu cầu chuyển đổi nghề hoặc để có thêm kỹ năng. Nguyễn Thị Lương, bạn trẻ đang làm công việc chăm sóc da ở một Spa lớn ngay tại Hà Nội nhưng đang trong giai đoạn ít việc vì ảnh hưởng của dịch Covid 19. Lương học thêm về trang điểm và đặc biệt các kĩ năng mềm của dự án để mở ra hướng đi mới.
“Đi học thế này sẽ có thêm kinh nghiệm về giao tiếp, nắm bắt tâm lí để ứng xử với khách hàng, sẽ rất hữu ích khi mình mở trung tâm riêng. Các giáo viên ở lớp trang điểm này cực kì nhiệt tình và dạy cũng hay nữa. Mình được miễn phí hoàn toàn, kể cả trang thiết bị phục vụ thực hành cũng được nhà trường mua cho”. Lương chia sẻ.
Ngô Yến Ngọc là học viên trẻ nhất ở lớp học trang điểm của cô Lan. Học để không chỉ trang điểm cá nhân mà trở thành một nghề chỉ thực sự trở nên nghiêm túc khi bạn tham gia khóa học này.
“Sau thời gian nghỉ dịch, đi học trở lại mới nửa tháng, em đã có thể tự mình làm toàn bộ khuôn mặt với các chi tiết nhỏ. Em định hướng sẽ ra nước ngoài làm việc ở lĩnh vực làm đẹp. Học ở đây sẽ làm nền tảng để em tiếp tục rèn luyện đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Hơn 1.000 thanh niên sẽ được đào tạo nghề giai đoạn hậu Covid-19
Theo một khảo sát gần đây của tổ chức Plan Việt Nam, sẽ có khoảng 31 triệu lao động trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Trong đó, 900.000 người mất việc làm và 18 triệu người chỉ được trả một phần lương. Điều này ít nhiều tác động tới tốc độ tăng trưởng kinh tế chung. Đặc biệt khi đại dịch tác động tập trung vào một số lĩnh vực lâu nay tăng trưởng mạnh, thu hút lực lượng lao động ngày một đông như khách sạn, du lịch, dịch vụ ăn uống, sản xuất, bán buôn bán lẻ và hoạt động vui chơi giải trí.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, cũng theo nghiên cứu từ Plan Việt Nam, một tổ chức nhân đạo quốc tế, có một số lĩnh vực như y tế, chăm sóc, nghề dịch vụ và CNTT sẽ phục hồi và tăng trưởng mạnh, tạo ra lượng việc làm lớn. Từ nghiên cứu này, Plan Việt Nam cùng Google.org Hoa kỳ đã xây dựng và triển khai dự án đào tạo nghề miễn phí cho 1.120 thanh niên cùng các khóa kỹ năng mềm và hỗ trợ kết nối việc làm cho 3.680 lao động trẻ, trong đó 40% là nữ.
“Plan được biết tới là tổ chức phát triển cộng đồng, tập trung vào trẻ em. Những năm gần đây chúng tôi đã điều chỉnh những hoạt động của mình, tiếp cận nhiều hơn với thanh niên, đặc biệt các bạn thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.
Đặc biệt chúng tôi khuyến khích các bạn nữ phát huy khả năng của mình. Chính vì thế trong dự án hỗ trợ bởi Google chúng tôi tạo cơ hội cho các bạn nữ để các em nhận ra tiềm năng của mình, tự tin tham gia các hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Nhiều nghề trước đây và bây giờ được cho là nam giới làm tốt thì thực ra các bạn nữ cũng có thể làm và làm tốt”, bà Lê Quỳnh Lan, Quản lỹ tác động chương trình và đối tác Plan Quốc tế tại Việt Nam cho biết.
Còn theo TS Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội khẳng định những bước đầu tiên phối hợp cùng các tổ chức quốc tế triển khai dự án đào tạo nghề của trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đang theo đúng hướng, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, yêu cầu của xã hội.
Giai đoạn 1 của dự án theo bà Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, đơn vị trực tiếp triển khai dự án “Tự tin lập nghiệp” đã bắt đầu từ tháng 6/2021. Bị tác động của đại dịch, nhà trường tổ chức trước các khóa học về kỹ năng mềm và các hỗ trợ kết nối việc làm, đồng thời xây dựng kế hoạch, chương trình dạy cho 4 nghề đã được chọn.
Tính đến tháng 3 năm nay, trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã hoàn thành 17 lớp ngắn hạn nghề chăm sóc sắc đẹp với gần 500 học viên được đào tạo nghề.
Đặc thù một trường đào tạo lĩnh vực công nghiệp, học viên nam chiếm đa số. Bước vào giai đoạn tiếp theo của dự án, nhà trường phối hợp cùng trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội để đảm bảo tỷ lệ học viên nữ đạt 40% theo yêu cầu của đặt ra từ phía đơn vị tài trợ cũng như gia tăng cơ hội học nghề cho nữ lao động trẻ trên địa bàn Hà Nội.
Ý Dịu_VOV_
Bài viết liên quan