Từ khủng hoảng chọn nghề đến tấm hcv kỹ năng nghề quốc gia
TỪ KHỦNG HOẢNG CHỌN NGHỀ ĐẾN TẤM HCV KỸ NĂNG NGHỀ QUỐC GIA
Từ khủng hoảng chọn nghề đến tấm HCV Kỹ năng nghề Quốc gia
[VOV2] - Chủ nhân tấm HCV Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia năm 2021 Khúc Tuấn Linh từng nghĩ sẽ đi rửa bát thuê hoặc chạy xe Grab. Tốt nghiệp THPT, Linh cũng từ bỏ cơ hội học đại học vì điều kiện gia đình khó khăn cũng như bế tắc trong lựa chọn nghề nghiệp.
Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 năm 2021, ngành Quản trị hệ thống mạng Công nghệ thông tin có 2 thí sinh giành được huy chương vàng. Điều bất ngờ, chủ nhân của một trong hai tấm huy chương vàng ấy từng trải qua khủng hoảng, bế tắc trong lựa chọn nghề nghiệp. Đó là Khúc Tuấn Linh, sinh viên ngành ứng dụng phần mềm (Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội).
Trước đó, Linh là cựu học sinh trường THPT Ngô Thì Nhậm (Thanh Trì, Hà Nội). Cuối năm lớp 12, đứng trước ngã rẽ của lựa chọn nghề nghiệp, Linh rơi vào trạng thái khủng hoảng khi không biết lựa chọn hướng đi nào cho đúng.
“Cuối năm lớp 12, em chỉ có thể nghĩ mình đi rửa bát thuê, cùng lắm là đi chạy xe ôm Grab. Khi đó, học lực em rất bình thường, lớp 45 bạn học sinh thì em đứng thứ 45”, Linh nhớ lại.
Niềm đam mê duy nhất của Khúc Tuấn Linh khi ấy là chỉnh sửa ảnh, biên tập video và máy tính. Hầu hết những video clip của lớp đều do Linh biên tập. Do vậy, thực tâm, cậu học sinh trường THPT Ngô Thì Nhậm mong muốn đăng ký theo học trường đại học FPT. Nhưng khi tham khảo mức học phí, Linh chùn bước.
“Điều kiện gia đình em rất khó khăn, bố mẹ em chỉ là lao động tự do. Trong khi học phí của trường FPT khá cao gia đình em không kham nổi. Khi đó, thầy cô cũng động viên em cố gắng thi vào một trường đại học nào đó sẽ có tương lai hơn. Do vậy, khi làm hồ sơ em đăng ký hai trường là Đại học GTVT và Học viện nông nghiệp. Nhưng em chỉ là đăng ký cho có thôi”, Linh cho biết.
Kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học năm 2019, Khúc Tuấn Linh đạt gần 22 điểm, ngưỡng điểm có thể trúng tuyển vào nhiều ngành học của trường đại học GT-VT hay Học viện Nông nghiệp. Đứng trước lựa chọn, một lần nữa, Linh lại rơi vào bế tắc bởi tất cả nguyện vọng em đăng ký đều không phải là niềm đam mê. Trong sự bế tắc, Linh chọn bừa học ngành Du lịch để lấp chỗ trống.
Tuy nhiên học được một tháng, Linh thực sự nhận ra Du lịch không phù hợp với bản thân. Từ lời động viên, tư vấn của anh họ, Khúc Tuấn Linh quyết định chuyển sang học đăng ký theo học ngành ứng dụng phần mềm (trường Cao đẳng nghề nghiệp Hà Nội). Sau một thời gian theo học, Linh cảm nhận được sự thú vị của ngành học này khi có thể ứng dụng nhiều vào cuộc sống.
Bước ngoặt đối với Linh khi em được lựa chọn tham gia đội tuyển của trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội dự Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12. Bất ngờ hơn nữa, Linh được lựa chọn tham gia nghề Quản trị hệ thống mạng Công nghệ thông tin chứ không phải ngành ứng dụng phần mềm.
“Vì thi trái ngành nên gần như em phải xuất phát từ đầu. Những kiến thức ngành quản trị hệ thống mạng phải học xuyên suốt gần 2 năm thì mới có thể làm bài thi được”, Linh cho biết.
Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 là Kỳ thi có nhiều khác biệt so với những lần tổ chức trước. Trong đó, khác biệt lớn nhất là đề thi được thiết kế theo chuẩn quốc tế.
TS. Nguyễn Gia Phúc, Trưởng khoa CNTT (trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội) cho biết, đề thi Kỹ năng nghề Quốc gia chỉ giảm bớt một số phần so với đề thi quốc tế. Trong đó, toàn bộ đề thi bằng tiếng Anh, điều này bắt buộc thí sinh phải giỏi ngoại ngữ. Ngoài ra, một số kiến thức, công nghệ mới cũng được áp dụng nên đòi hỏi cả thí sinh và giáo viên hướng dẫn phải cập nhật, tìm hiểu, nghiên cứu.
6 tháng ôn thi tham dự Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia là khoảng thời gian nhiều thử thách. Thậm chí, có lúc Linh muốn bỏ cuộc.
“Lúc bế tắc nhất bỗng nhiên em nhìn thấy tấm bằng khen của thầy với nội dung là: Khen thưởng giáo viên có thí sinh đạt huy chương vàng kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ 11. Lúc đó em chợt nghĩ có thể mình sẽ là thí sinh thứ 12 của thầy. Em quyết tâm phải làm được một điều gì đó”, Khúc Tuấn Linh nhớ lại.
Mặc dù thi trái ngành nhưng điều mà các giảng viên, các chuyên gia đánh giá cao ở Linh là sự cần cù, chịu khó và quan trọng nhất là tố chất của một sinh viên học Công nghệ thông tin.
“Một điều quan trọng nữa là đội ngũ giáo viên phải truyền lửa cho Linh cũng như các thí sinh khác để các em đam mê nghề nghiệp, đam mê công việc của mình và đam mê với cuộc thi này”, TS. Nguyễn Gia Phúc, Trưởng khoa CNTT, trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội nói.
(Khúc Tuấn Linh chia sẻ về tấm Huy chương vàng Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia)
Bế mạc Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12, Khúc Tuấn Linh giành Huy chương Vàng nghề Quản trị hệ thống mạng. Với một học sinh từng trải qua quãng thời gian khủng hoảng lựa chọn nghề nghiệp, tấm huy chương vàng là một bất ngờ lớn với riêng em.
“Tuy nhiên, em cũng nghĩ, tấm huy chương vàng này chỉ là điểm xuất phát chứ chưa phải là một thành công gì quá lớn. Mục tiêu của em là có thể chinh phục ở giải quốc tế hoặc đạt đượt trình độ kỹ năng nghề cao hơn”, Linh chia sẻ.
Chị Khúc Thị Hồng Gấm – mẹ của Linh thực sự xúc động khi con mình có thể đạt giải cao tại một kỳ thi tay nghề cấp Quốc gia. Mặc dù trước nay, gia đình luôn mong muốn Linh có thể theo học ở một trường đại học nhưng với thành công bước đầu của con, chị Gấm hiểu, sự lựa chọn nghề nghiệp của Linh là hoàn toàn đúng.
Đối với những thí sinh dành giải cao tại Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia, theo ông Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp. Thậm chí, những sinh viên như Linh đã được doanh nghiệp nhắm đến mặc dù chưa tốt nghiệp.
Tuy nhiên, đằng sau tấm Huy chương Vàng Kỳ thi kỹ năng nghề Quốc gia, điều mà Khúc Tuấn Linh muốn chia sẻ đó là bài học về lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn con đường đi của mình.
“Với em, lựa chọn nghề nghiệp theo đam mê của mình là rất quan trọng, nếu mình đam mê thì mình sẽ phát triển ngành mình theo học lên một tầm cao mới, còn nếu làm một nghề mình không thích thì giống như việc mỗi ngày đi làm không phải là một ngày vui nữa”, Linh chia sẻ.
_VOV_
Bài viết liên quan