Gần 6.000 thanh niên được đào tạo nghề và hỗ trợ kỹ năng
GẦN 6.000 THANH NIÊN ĐƯỢC ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ HỖ TRỢ KỸ NĂNG
Kinhtedothi – Dự án “Tự tin lập nghiệp” giai đoạn I đã hoàn thành với 1.120 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn được đào tạo nghề ngắn hạn, 4.800 thanh niên được đào tạo kỹ năng mềm, bình đẳng giới; gần 1.200 thanh niên được kết nối việc làm thông qua các buổi tuyển dụng.
Ngày 27/10, trường Cao đẳng nghề (CĐN) Công nghiệp Hà Nội tổ chức Lễ khởi động Dự án “Tự tin lập nghiệp” và Khai giảng năm học 2022 – 2023. Đây là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có bề dày 48 năm truyền thống trong lĩnh vực đào tạo nghề, có đóng góp tích cực trong cung cấp nhân lực chất lượng cao cho TP Hà Nội và đất nước.
Trong giai đoạn 2020 – 2022 nhà trường được TP Hà Nội phê duyệt thực hiện Dự án “Tự tin lập nghiệp” được tài trợ bởi Ngân hàng Standard Chartered Foundation tài trợ và sự hỗ trợ của Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam, với kinh phí hơn 7,3 tỷ đồng. Dự án nhằm mục đích đào tạo nghề ngắn hạn và kỹ năng mềm có định hướng thị trường, qua đó giảm tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Việt Nam do đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra.
Tham dự sự kiện, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng vui mừng khi giai đoạn 1 của Dự án “Tự tin lập nghiệp” đã thành công với 4.800 thanh niên độ tuổi từ 16 đến 29 (với 40% là nữ) được đào tạo và hỗ trợ kỹ năng sống, bình đẳng giới, cơ hội việc làm phù hợp với nhu cầu trong thời kỳ hậu Covid-19; 1.146 thanh niên được đào tạo kỹ năng nghề, trong đó có những thanh niên đã đạt được huy chương Vàng, huy chương Bạc tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2022.
Hơn 30 DN cam kết tuyển dụng và đang hỗ trợ thanh niên tìm kiếm việc làm, đặc biệt là hướng tới nhóm đối tượng nữ thanh niên; đã có gần 1.200 thanh niên được kết nối việc làm thông qua các buổi tuyển dụng.
Không chỉ vậy, Dự án còn hỗ trợ nhà trường về cơ sở vật chất, xây dựng, chỉnh sửa chương trình, giáo trình, bồi dưỡng, tập huấn nhà giáo về dạy học trực tuyến, bình đẳng giới, kết nối DN, thực hiện các sự kiện tuyển dụng tạo cơ hội việc làm cho người học.
Giai đoạn 2 của dự án trong năm 2022 – 2023 với kinh phí trên 2,2 tỷ đồng, hướng tới mục tiêu hỗ trợ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là nữ giới được trang bị các kỹ năng và cơ hội việc làm phù hợp với nhu cầu trong và sau đại dịch Covid-19 và nền kinh tế kỹ thuật số.
Thông tin về giai đoạn tiếp theo của Dự án, Hiệu trưởng trường CĐN Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường cho biết: Giai đoạn 2 của dự án hướng tới mục tiêu hỗ trợ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là nữ giới được trang bị các kỹ năng và cơ hội việc làm phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế số.
“Nhà trường có kế hoạch đào tạo 150 học viên học nghề ngắn hạn thuộc nhóm đối tượng khó khăn, yếu thế, nhóm khuyết tật khiếm thính, khiếm thị. Đồng thời, tập huấn kỹ năng mềm, hỗ trợ việc làm, khởi nghiệp cho 450 học viên; tập huấn nhạy cảm giới, kết nối việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp” – bà Phạm Thị Hường cho hay.
Cùng với việc tổ chức Lễ khởi động Dự án “Tự tin lập nghiệp” giai đoạn 2, trường CĐN Công nghiệp Hà Nội Khai giảng năm học 2022 – 2023. Năm 2022, tình hình chung trong cả nước, công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong nhà trường cùng với uy tín trong đào tạo, đến thời điểm này trường tuyển sinh với gần 1.400 học sinh, sinh viên.
Và, với tỷ lệ trên 90% sinh viên ra trường có việc làm và thu nhập ổn định, nhà trường trở thành nơi cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng tay nghề cao cho nhiều DN, tập đoàn lớn trên cả nước. Cựu sinh viên Nguyễn Hoài Ngọc K42 nghề Cắt gọt kim loại tốt nghiệp năm 2021 của nhà trường đang làm việc tại Công ty Canon là 1 trong 10 công dân ưu tú tiêu biểu của Thủ đô được vinh danh tại Hội nghị thi đua Người tốt việc tốt của TP Hà Nội vừa diễn ra tháng 10 vừa qua.
Nguồn: Gần 6.000 thanh niên được đào tạo nghề và hỗ trợ kỹ năng - Báo Kinh tế đô thị (kinhtedothi.vn)
Bài viết liên quan