Chương trình 9+, lối rẽ khác cho học sinh thi trượt lớp 10
Chương trình 9+, lối rẽ khác cho học sinh thi trượt lớp 10
http://m.kinhtedothi.vn/chuong-trinh-9-loi-re-khac-cho-hoc-sinh-thi-truot-lop-10-425684.html
OANH TRẦN 01-07-2021 21:17
Kinhtedothi – Chương trình 9+ đang là xu hướng lựa chọn của các phụ huynh và học sinh thi trượt lớp 10 vào trường công lập năm học 2021 - 2022. Đây là lối rẽ tiết kiệm kinh phí, thời gian mà vẫn đảm bảo bằng cấp.
Xu hướng mới của nhiều phụ huynh
Ngay sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm trúng tuyển lớp 10 vào các trường THPT công lập, thay vì buồn rầu, nhiều phụ huynh và thí sinh đã chọn hướng đi mô hình 9+ (vừa học văn hóa, vừa học nghề). Ghi nhận của phóng viên tại một số trường cao đẳng nghề (CĐN) và trung cấp nghề (TCN) trên địa bàn TP Hà Nội như CĐN Công nghiệp Hà Nội, CĐN Công nghệ cao Hà Nội, TCN Tổng hợp Hà Nội, TCN Cơ khí I Hà Nội,... có đông phụ huynh đến tìm hiểu chương trình 9+, bao gồm thông tin về môi trường học văn hóa và học nghề, sức khỏe có đảm bảo cho việc cùng lúc học văn hóa và học nghề,...
Đang là thời điểm cao điểm tiếp nhận hồ sơ chương trình 9+ nên mỗi ngày Văn phòng tuyển sinh trường CĐN Công nghiệp Hà Nội (131 phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội) mỗi ngày nhận được khoảng 40 bộ hồ sơ. Bà Phạm Thị Hường – Hiệu trưởng trường CĐN Công nghiệp Hà Nội cho hay: Hiện giờ trường CĐN Công nghiệp Hà Nội đã nhận được 170 hồ sơ chương trình 9+. Năm nay nhà trường xác định tuyển cho chương trình này 270 học sinh.
|
Cán bộ tuyển sinh trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đang tư vấn cho các em học sinh đăng ký học chương trình 9+. Ảnh: Trần Vân. |
Vừa được giáo viên tư vấn học chương trình 9+ tại Văn phòng tuyển sinh trường CĐN Công nghiệp Hà Nội, anh Nguyễn Văn Hiếu đến từ phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) đang cầm trên tay bộ hồ sơ, chia sẻ: “Con tôi bị thiếu điểm vào trường THPT Nguyễn Văn Cừ. Thông qua người quen, gia đình biết được nhà trường đang tuyển sinh chương trình 9+ nên chiều nay tôi đi xe máy đến tận trường tìm hiểu thật kỹ trước khi điền thông tin vào hồ sơ. Tôi quyết định cho cháu học chương trình 9+ trong 3 năm để học văn hóa vừa học nghề Điện – Điện, để khi ra trường nền tảng văn hóa được nâng lên lại có tay nghề.
|
Các em học sinh đang tìm hiểu thông tin và tư vấn học chương trình 9+ tại trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội. Ảnh: Huy Bằng. |
Thời điểm này, mỗi ngày trường TCN Tổng hợp Hà Nội (Cơ sở 1: Số 21 Bùi Bằng Đoàn, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội) nhận được 40 – 50 bộ hồ sơ xin vào học chương trình 9+. Hiệu trưởng trường TCN Tổng hợp Hà Nội Khuất Huy Bằng cho biết: Nhà trường đang tổ chức cho phụ huynh và các em học sinh đến tham quan cơ sở vật chất và trang thiết bị. Đồng thời căn cứ vào sở thích và năng lực của từng bạn để tư vấn chọn ngành nghề phù hợp. Nhà trường đào tạo theo chương trình 9+ (song bằng), nghĩa là sau 3 năm học các em sẽ có 2 bằng (THPT, Trung cấp). Năm nay do công tác tuyên truyền của Bộ LĐTB&XH cùng các sở, ban, ngành của TP Hà Nội rất tốt nên có nhiều học sinh rẽ nhánh không thi vào lớp 10. Đến thời điểm này, nhà trường thu được hơn 300 hồ sơ và rất nhiều học sinh đã nhận hồ sơ chưa nộp lại. Dự kiến nhà trường nhập học giữa tháng 7/2021 với hơn 700 học sinh”.
Chương trình 9+, học sinh được miễn phí học nghề
Nhiều thí sinh sau khi được tư vấn, tham quan cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường TCN Tổng hợp Hà Nội đã rất phấn khởi và có quyết tâm theo học văn hóa và nghề. “Em được biết trường TCN Tổng hợp Hà Nội đang tuyển sinh đào tạo theo chương trình song bằng. Sau khi học 3 năm, học sinh sẽ được nhà trường cấp 2 bằng đó là bằng THPT chính quy và bằng trung cấp chính quy. Việc học văn hóa và học nghề được tổ chức ngay tại địa điểm trường nghề, rất thuận tiện cho việc đi lại. Vì thế, em sẽ xin phép bố mẹ cho học trường này có những ngành nghề phù hợp với sở thích của em” – em Nguyễn Thị Như Quỳnh (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) bộc bạch.
|
Các em học sinh được nhà trường tổ chức cho đi tham quan cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo tại trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội. Ảnh: Huy Bằng. |
Trước những băn khoăn của phụ huynh về các con của họ có thể theo học cùng lúc 2 chương trình (văn hóa và nghề), các trường tổ chức dạy học chương trình 9+ cho biết, họ đã phối hợp với trung tâm GDTX đến tận trường nghề để dạy văn hóa và chọn những nghề phù hợp sức khỏe và sở thích, năng lực của các em học sinh 14 – 15 tuổi. Thầy Khuất Huy Bằng cho biết: Trường TCN Tổng hợp Hà Nội có 15 nghề để học sinh lựa chọn như: Điện công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, May thời trang, Kỹ thuật chế biến món ăn, Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa, Tin học văn phòng, Kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính,...
|
Phụ huynh và học sinh đang được cán bộ trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội tư vấn chọn nghề, hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký học chương trình 9+. Ảnh: Văn Huy. |
Bà Phạm Thị Hường – Hiệu trưởng trường CĐN Công nghiệp Hà Nội thông tin: Nhà trường tổ chức đào tạo 6 nghề cho chương trình 9+ là: Công nghệ thông tin, Chăm sóc sắc đẹp, Cơ khí, Kinh tế, Điện tử - Điện lạnh. Khi học chương trình 9+, học sinh học văn hóa chỉ với 7 môn bắt buộc; chương trình trung cấp nghề 2 năm được nhà trường phân bố đều cho 2,5 năm (nửa năm còn lại được dành để ôn tập thi tốt nghiệp THPT). Chính vì thế, học sinh học 3 buổi học nghề/tuần, thời gian còn lại vào các buổi chiều để nghỉ ngơi và tập trung cho các môn văn hóa. Khi đăng ký học theo chương trình 9+, nhiều em học nghề rất tốt, nên nhà trường đã đăng ký cho các em tham dự kỳ thi tay nghề của TP Hà Nội.
|
Các phụ huynh đang được tìm hiểu thông tin về những lợi ích khi học sinh học chương trình 9+,. Ảnh: Huy Bằng. |
Thông tin về chất lượng học văn hóa và học nghề của các em học sinh đang theo học chương trình 9+, thầy Khuất Huy Bằng cho hay: Sau khi tốt nghiệp THCS các em vào học chương trình song bằng; buổi sáng học văn hóa, chiều học nghề, sau 3 năm các em sẽ có 2 bằng. Khi đi làm tại các doanh nghiệp, các em được đánh giá rất tốt về tay nghề. Sau khi học xong nghề và thi có bằng tốt nghiệp THPT, các em học sinh được nhà trường giới thiệu việc làm. Có đa số các em học sinh đi làm luôn và bố trí học liên thông cao đẳng, đại học vào thứ Bảy và Chủ chủ nhật.
Theo học chương trình song bằng, học sinh được miễn phí học nghề, chỉ phải đóng tiền học phí văn hóa là 217.000 đồng/tháng. Không những vậy, các trường còn giới thiệu việc làm miễn phí. Học sinh có nhu cầu học nghề liên thông lên cao đẳng, sẽ chỉ mất thời gian từ 1 – 1,5 năm (tùy theo từng nghề). Như vậy học chương trình 9+ để lấy bằng cao đẳng, học sinh chỉ mất từ 4 – 4,5 năm; so với những bạn học hết THPT, rồi sau đó đi học cao đẳng là 6 năm. Đây chính là lối rẽ tiết kiệm kinh phí, thời gian mà vẫn đảm bảo bằng cấp đang được nhiều phụ huynh và học sinh lựa chọn.
Bài viết liên quan