THU HÀ - "BÔNG HỒNG" DUY NHẤT CỦA NGÀNH CƠ ĐIỆN TỬ, TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ CÔNG NGHIỆP HÀ NỘI
Theo một cách tự nhiên nào đó, Thu Hà đã “cảm nắng” ngành kỹ thuật ngay từ ngày còn học Trung học phổ thông. Cô nàng đã nung nấu và lên kế hoạch trở thành một kỹ thuật viên ngành Cơ điện tử trước sự ngạc nhiên của ba mẹ và bạn bè. Nói về lý do lựa chọn ngành học mà được đánh giá là rất cực đối với con gái, Hà tiết lộ “bản thân có niềm đam mê đặc biệt với các loại thiết bị, máy móc từ nhỏ. Là con gái mà theo học chuyên ngành này cũng có phần nặng nề hơn các bạn nam. Nhưng em muốn thử sức học ngành cá tính mạnh mẽ chút. Trước khi đăng ký ngành cơ điện tử, em đã tìm hiểu rất kỹ để sau khi tốt nghiệp có thể sang Nhật làm việc. Thật may mắn là dù ngạc nhiên nhưng ba mẹ em rất ủng hộ”.
Hiện Thu Hà đang là sinh viên năm 3 ngành Cơ điện tử. Hà kể lớp có hơn 40 sinh viên, buổi đầu tiên đến lớp, Hà không dám bước chân vào phòng học vì cả phòng toàn con trai. Em phải đứng một lúc để lấy bình tĩnh rồi “bước đại” vào lớp. Khi em vừa bước vào, cả lớp ồ lên kiểu như 'a ha, lớp mình có con gái'. Thực sự là lúc đó rất ngại ngùng. Tuy nhiên, học một thời gian thì lại quen và rất vui vì cả lớp chỉ có duy nhất một nữ. Mỗi lần thực hành phải mang vác đồ nặng, các bạn nam lại giúp đỡ. Là bông hồng duy nhất của lớp, cô nàng cho rằng đây là sự may mắn vì bản thân luôn nhận được sự quan tâm, ưu ái của giảng viên và các bạn nam. Hà là Bí thư lớp, lại là nữ, thầy cô ưu ái liên tục gọi tên, có tiết gọi 2-3 lần, dần quen với ưu ái đó, em nghĩ đó là động lực để em chăm chỉ học tập hơn. Hà cười típ chia sẻ, cũng vì "Đặc biệt quá nên em cũng không thể trốn học vì nghỉ là thầy cô biết liền".
Bản thân có cá tính mạnh mẽ, thích độc lập cộng với hoàn cảnh gia đình khá khó khăn. Đồng lương khiên tốn từ công việc của bố và mẹ khó đủ chi phí ăn học cho 4 chị em. Là chị cả trong gia đình, suốt 3 năm học Hà cố gắng tự trang trải tiền học phí. Cân đối thời gian đi làm thêm, cô nàng tập trung học để dành học bổng và tự chi trả chi phí học tập. Không chỉ những môn trên lớp, với những môn thực hành ở xưởng, Hà luôn cố gắng để không thua kém gì các bạn. Cũng phải mài sắt đến phồng cả tay, đội mũ, đeo kính hàn và cầm que hàn như các bạn nam, Hà không thấy có vấn đề gì, coi như mình trang bị được những kỹ năng mà hiếm bạn nữ nào có. Học kỳ nào Hà cũng nhận được học bổng khuyến khích học tập xuất sắc của trường. Em cho rằng, khi độc lập như vậy thì sau này ra trường sẽ dễ dàng để thích nghi hơn.
Những tưởng, nữ học kỹ thuật sẽ có những bất lợi, khó có thể đạt học lực loại giỏi, nhưng thật bất ngờ, Hà lại luôn nằm trong “top” những sinh viên có điểm học cao nhất. Hà bẽn lẽn: “Có lẽ nhờ em chăm chỉ học hành nên có được kết quả tốt”. Kỹ thuật cơ điện tử là ngành học được đánh giá nặng nề hơn đối với sinh viên nữ nên áp lực là điều không tránh khỏi. Đôi lúc Hà cũng thấy nản vì có nhiều việc hoặc gặp những vấn đề quá khó em không giải quyết được. Khi đó, em luôn ưu tiên việc tự tìm cách giải quyết trước, nếu không giải quyết được thì em sẽ hỏi bạn, nếu hỏi bạn vẫn không tìm ra được vấn đề thì Hà sẽ tâm sự, nhờ sự giúp đỡ của các thầy trong khoa.
Ngành Cơ điện tử là ngành khoa học tổng hợp liên ngành của cơ khí chính xác, điện tử, điều khiển và tư duy hệ thống trong thiết kế và phát triển sản phẩm. Đây là ngành rất quan trọng và không thể thiếu trong sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại. Mục tiêu đào tạo ngành này là làm sao sinh viên tốt nghiệp có thể sử dụng, vận hành và bảo trì tốt các thiết bị của hệ thống sản xuất tự động; Khai thác và xây dựng các phần mềm trong việc điều khiển các máy móc tự động bằng máy tính và các phương tiện điều khiển số khác; Thiết kế cải tiến, thiết kế chế tạo mới và lắp ráp các thiết bị khác nhau trong hệ thống sản xuất tự động. Điều đặc biệt là người học cần phải đam mê với chuyên ngành này. Ngành Cơ - Điện tử cũng đòi hỏi tính tỉ mỉ, chính xác và sự kiên nhẫn… Với tinh thần ham học hỏi, mê khám phá những điều mới khi theo học kỹ thuật Cơ điện tử Hà đặt mục tiêu sau khi tốt nghiệp sẽ sang Nhật Bản làm việc.
Hà thổ lộ: “Hiện em đang tìm hiểu để học tiếng Nhật đồng thời chờ tốt nghiệp Cao đẳng và có định hướng để sang Nhật làm việc. Em mong muốn sang Nhật để được học hỏi những kiến thức và công nghệ mới của đất nước này. Bên cạnh đó, việc rèn luyện kỹ năng, tác phong làm việc ở một quốc gia phát triển như vậy là rất tốt cho công việc của em”.
Hà cho rằng, ngày nay các doanh nghiệp khi tuyển dụng không còn quá coi trọng bằng cấp mà chỉ cần người giỏi chuyên môn và kỹ năng. “Vì thế học đại học hay học nghề đều không quan trọng. Quan trọng là ngành nghề, nơi học phù hợp với bản thân. Và khi đã học thì học tới nơi, khi đã làm thì làm tới chốn, ham học hỏi, nỗ lực phát huy thế mạnh thì dù học đại học hay cao đẳng, trung cấp bạn đều được đón nhận”, Hà bày tỏ quan điểm.
Trong quá trình học tập tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Thu Hà cùng các bạn may mắn được tham gia chương trình đào tạo kép tại Trung tâm đào tạo tự động hóa dựa trên hiện trường sản xuất theo các vị trí việc làm ngay tại trường. Chương trình giúp Hà thêm hăng say học tập để nắm vững hơn nữa toàn bộ quá trình lắp ráp, vận hành, bảo dưỡng các thiết bị tự động hóa cũng như học tập thực tế để thích ứng tốt với vị trí việc làm. Vì vậy Hà vui mừng khi đang được thực tập các vị trí kỹ thuật viên về tự động hoá trong các dây chuyền sản xuất tại Luxshare.
Thu Hà đã truyền cảm hứng về tinh thần dám thể hiện bản thân, theo đuổi ước mơ và hoài bão của mình cho các nữ sinh viên kỹ thuật nói chung và đặc biệt là nữ sinh ngành Cơ khí nói riêng - một lĩnh vực có số lượng nữ sinh rất ít. Để thành công được thì phải có sự đam mê vì vậy hãy mạnh dạn chọn ngành theo sở thích, đam mê của mình.
Bài viết liên quan