Cô gái học trường nghề với những thành công bước đầu trong việc lựa chọn ngành nghề của mình
CÔ GÁI HỌC TRƯỜNG NGHỀ VỚI NHỮNG THÀNH CÔNG BƯỚC ĐẦU TRONG VIỆC LỰA CHỌN NGÀNH NGHỀ CỦA MÌNH
Trong số thí sinh giành huy chương vàng kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia 2021 - Trịnh Thị Lan - 21 tuổi, là cô gái duy nhất.
Lan tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia với nghề Thiết kế đồ họa. Sau ba tháng ôn tập và hai ngày thi chính thức, nữ sinh trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã vượt qua thí sinh từ 25 đoàn khắp cả nước để giành danh hiệu cao nhất.
Khi còn là học sinh THPT Chương Mỹ B, Lan luôn nằm trong top đầu lớp. Dù vậy, nữ sinh không thể đưa ra định hướng nghề nghiệp từ sớm vì "không biết mình thích gì". Thời điểm đăng ký nguyện vọng đại học, Lan phân vân rồi quyết định chọn theo bạn bè. Em chia sẻ "Khi nhận tin trúng tuyển, em không quá vui mà hoang mang, tự hỏi liệu có nên đi học hay không. Em thật sự không đặc biệt thích ngành nào trong những ngành đã đăng ký".
Cuối cùng, được anh họ giới thiệu, Lan tìm hiểu về trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, ngành Thiết kế đồ họa. Cô gái sinh năm 2000 "thấy ngành này cũng hay, lại hơi nghệ sĩ, hợp với tính cách của mình".
Cách đây 3 năm, trong ngày đầu tiên nhập học tại Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội, Lan đã giật mình vì thấy lớp học toàn con trai. Cô gái này hoang mang tự hỏi, liệu mình có… chọn nhầm nghề hay không.
Sau 3 năm theo đuổi ngành học, nữ sinh viên bước vào kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia mới đây, vượt qua rất nhiều “đối thủ” nam để giành huy chương vàng. Từ đó, Lan đã tự tin khẳng định lựa chọn nghề nghiệp của mình là hoàn toàn đúng đắn.
Nghề thiết kế đồ họa được xem là phù hợp với nam nhiều hơn nhưng sức học của Lan luôn nằm trong tốp 3 của lớp. Bước sang năm học thứ 2, Lan được thực hành, thực tập, làm các bài tập thực tế rất nhiều. Bằng sự năng động và sáng tạo của mình, cô gái này cũng đã có thu nhập nhờ công việc thiết kế đồ họa bán thời gian.
Học kỳ đầu tiên của Lan ở trường cao đẳng không giống như cô tưởng tượng. Nữ sinh từng nghĩ sẽ "học toàn bộ trên máy tính", tuy nhiên suốt kỳ I, cô được học các môn yêu cầu vẽ tay. Đây không phải sở trường của Lan, cô tự thấy mình vẽ cũng không đẹp nên nhanh chán. Chật vật đến học kỳ II, nữ sinh bắt đầu làm quen với các thao tác và phần mềm thiết kế trên máy tính. Được tự làm sản phẩm, hoàn thành các bài tập, Lan hào hứng vì "đúng cái mình thích".
Nữ sinh nhanh chóng bật lên, vào top đầu của lớp và duy trì suốt chương trình học. Đầu năm 2021, Lan được chọn tham gia vòng loại Kỹ năng nghề cấp trường cùng khoảng 15 bạn khác. Dự thi với tâm thế thử sức, Lan bất ngờ khi đứng đầu vòng loại và trở thành đại diện duy nhất của trường, dự thi Kỹ năng nghề quốc gia, ngành Thiết kế đồ họa.
Những năm trước, sinh viên của trường đều có giải cao, trở thành áp lực lớn với Lan. Chưa kể, đề thi quốc gia sẽ sử dụng tư liệu của các cuộc thi Kỹ năng nghề ASEAN, châu Á và thế giới nên được viết toàn bộ bằng tiếng Anh. Để lấy cảm hứng và động lực thi đấu, Lan đã xem rất nhiều video, hình ảnh của các thí sinh Việt Nam trên đấu trường khu vực và quốc tế. Từ đó, cô đặt mục tiêu giành giải nhất quốc gia để có cơ hội tham dự các kỳ thi quy mô lớn hơn.
“Em và các thí sinh phải hoàn thành 4 phần thi trong 12 giờ, chia làm 2 ngày. Đề bài yêu cầu tụi em thiết kế logo và danh thiếp cho một công ty in thủ công của Nga theo phong cách tân kiến tạo, thiết kế một tạp chí du lịch Đông Nam Á, thiết kế vỏ và nhãn cho một thương hiệu thuốc ho cổ truyền làm từ thảo dược của Mông Cổ và cuối cùng là thiết kế một nội dung tuyên truyền, khuyến khích người dân tiêm vắc xin phòng Covid-19”, Lan chia sẻ.
Suốt một tuần cuối trước khi kỳ thi diễn ra, nữ sinh luyện tập với cường độ cao, từ 7h sáng đến 22h tối, dưới sự hỗ trợ của giáo viên. Mục tiêu đặt ra là loại bỏ toàn bộ thao tác thừa để hoàn thành nhanh nhất có thể. Kết quả, trong bài thi thật, Lan chỉ mất 10 tiếng cho cả bốn modules. Đây là kết quả tốt nhất mà cô làm được.
Từ các tiêu chí về mỹ thuật, kỹ thuật và ý tưởng sáng tạo, Lan đã xuất sắc đạt được 730/700 điểm, trở thành nữ sinh duy nhất giành huy chương vàng trong kỳ thi năm nay. Lan sẽ tiếp tục được huấn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới tổ chức tại TP.Thượng Hải, Trung Quốc vào năm 2022.
Hiện, Lan đang hoàn thành hồ sơ xin việc. Cô cho rằng giải thưởng này đem đến những ưu thế nhất định cho mình, nhưng khẳng định "vẫn cần luyện tập nhiều vì khi đi làm sẽ rất khác". "Nếu có cơ hội, em mong mình có thể tiếp tục trau dồi kỹ năng, bổ sung kiến thức về lĩnh vực kỹ thuật để vững chuyên môn hơn”.
Nói về kế hoạch sắp tới của mình, Lan cho hay: “Em vừa nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi và đang hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng. Đến lúc này, em hoàn toàn tự tin vào kiến thức, tay nghề của mình, sẵn sàng cho công việc mà không hề cảm thấy bỡ ngỡ".
Lan cũng cho biết mình rất tin vào quan điểm tuyển dụng của doanh nghiệp ngày nay: "Các doanh nghiệp không còn nhìn vào bằng cấp mà nhìn vào năng lực thực sự của ứng viên. Vì thế, em vẫn nghĩ bằng ĐH hay nghề không quan trọng. Quan trọng là bạn đã quyết tâm, cố gắng ra sao để tự tin mình có đủ năng lực làm việc”, “cô gái vàng” của kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia bày tỏ.
Bài viết liên quan