Nam sinh hà nội không thi lớp 10, chọn học nghề đặt mục tiêu làm cho google
Nam sinh Hà Nội không thi lớp 10, chọn học nghề đặt mục tiêu làm cho Google
Link báo dân trí: https://dantri.com.vn/doi-song/nam-sinh-ha-noi-khong-thi-lop-10-chon-hoc-nghe-dat-muc-tieu-lam-cho-google
(Dân trí) - Tường An đưa ra lựa chọn "lạc quẻ" so với số đông các bạn trong lớp. Ngay cuối năm học lớp 8, nam sinh này đã xác định không thi vào lớp 10 mà đi học nghề.
Từ chối cơ hội vào đội tuyển học sinh giỏi
Những ngày hè tháng 6/2021, trong khi bạn bè cùng lớp căng mình ôn luyện, học ngày học đêm để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 được đánh giá là "khó hơn thi đại học", cậu bé Tường An (SN 2006) lại đang thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ tại quê ngoại ở Lương Sơn (Hòa Bình).
Trước đó, Tường An đã nộp hồ sơ online đăng ký học nghề công nghệ thông tin tại Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội. Quyết định học nghề thay vì tham gia kỳ thi lớp 10 khốc liệt được An đưa ra vào cuối năm lớp 8.
Chị Hoa ủng hộ con theo học nghề. (Ảnh: Toàn Vũ)
Qua tìm hiểu và lắng nghe chia sẻ từ phía cha mẹ, Tường An nhận thấy, nhiều anh chị sau khi học xong cao đẳng nghề đi làm đã có thể nhận được 6-7 triệu đồng tiền lương. Đây cũng là mức lương khởi điểm của nhiều sinh viên đại học. Chính vì vậy, cậu quyết định đưa ra lựa chọn sớm về nghề nghiệp.
Mẹ của Tường An - chị Phạm Thị Kim Hoa (50 tuổi, làm nghề giáo viên, ở Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ với PV Dân trí: "Đầu năm lớp 9, khi cô giáo cho đăng ký nguyện vọng nhằm "phân loại" học sinh để có phương án ôn luyện phù hợp, An không chần chừ chọn học nghề.
Cô giáo chủ nhiệm của An gọi điện khuyên tôi nên cho con tiếp tục học cấp 3 vì An có sức học khá. Tuy nhiên, tôi trả lời rằng, gia đình sẽ tôn trọng quyết định của An".
Tường An có vốn ngoại ngữ khá tốt (Ảnh: Toàn Vũ)
Theo lời chị Hoa, trước đây, Tường An học tại Trường THCS Mậu Lương (Hà Đông). Con chị học khá các môn và vượt trội hơn hẳn về môn tiếng Anh. Giáo viên của trường có ý định đưa Tường An vào đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh nhưng cậu bé đã từ chối cơ hội này.
Vợ chồng chị Hoa có hai con, một trai, một gái. Con gái lớn của chị Hoa yêu thích ngành truyền thông nên đã học xong Học viện Báo chí & Tuyên truyền, ra trường và đi làm. Khi thấy con trai không đi theo con đường như chị gái mà lựa chọn học nghề luôn, chị Hoa cũng không phản đối.
Người mẹ này chia sẻ, vợ chồng chị quan niệm việc học và tương lai là do các con tự lựa chọn. Bố mẹ chỉ tạo điều kiện để con hoàn thành ước mơ của mình.
"Gia đình tôi không có tư tưởng ép buộc con cái cứ phải thi vào lớp 10 công lập rồi học lên tuần tự. Tôi chỉ quan tâm con mình đam mê gì và trang bị được gì trước khi vào đời. Khi được theo đuổi đam mê của mình, con sẽ không cảm thấy áp lực. Vậy nên, khi biết con xác định học nghề, tôi ủng hộ ngay", chị Hoa nói.
Tường An phấn đấu giành thêm nhiều chứng chỉ về công nghệ thông tin. (Ảnh: Toàn Vũ)
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, lớp 9 của Tường An trước đây có khoảng 50 học sinh nhưng chỉ có 3 bạn chọn học nghề ngay từ đầu. Dù đưa ra lựa chọn "lạc quẻ" so với số đông, nhưng An và hai người bạn thân không cảm thấy tự ti hay thiếu động lực phấn đấu.
Tường An có nguyện vọng sau này sẽ trở thành nhân viên của Google - một trong những công ty lớn không đặt nặng vấn đề bằng cấp hay việc học đại học.
Xác định sẽ là một "người thợ lành nghề", cậu cũng tự tìm các khóa đào tạo công nghệ thông tin ngắn hạn để trau dồi thêm. Cậu bé 16 tuổi đang từng ngày phấn đấu chinh phục các chứng chỉ nghề nghiệp hàng đầu của Google. Hiện An cũng đã có trong tay chứng chỉ MOS của Microsoft…
Tường An tham gia cuộc thi Vô địch tin học văn phòng thế giới. (Ảnh: K. H)
Khi lựa chọn không theo số đông
Tường An may mắn có một người mẹ làm trong ngành giáo dục và luôn ủng hộ cậu. Chị Hoa cũng không ngần ngại chia sẻ với mọi người là con trai mình đang học nghề. Tuy nhiên, lựa chọn "không giống với số đông" của chị và con trai đôi khi không được các phụ huynh khác hưởng ứng.
Người mẹ này cho hay: "Tôi từng chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội để mong có thêm nhiều học sinh được "giải thoát" khỏi kỳ thi vào 10 áp lực.
Tuy nhiên, tôi rất buồn khi thấy rất nhiều phụ huynh vẫn có tư tưởng coi học nghề chỉ là "bãi đáp" dự phòng khi con họ không thi được vào lớp 10. Tôi nghĩ, cứ ôm tư tưởng như thế thì chúng ta đã tạo áp lực quá lớn với con cái rồi".
Chị Hoa luôn động viên con rằng, trong cuộc sống có nhiều con đường dẫn đến thành công. (Ảnh: Toàn Vũ)
Theo chia sẻ của chị Hoa, dù học trường nghề nhưng Tường An và các bạn hoàn toàn có thể dự thi đại học sau này nếu muốn, bởi các trường nghề vẫn dành thời gian dạy văn hóa, song bằng.
Vậy nên, việc nhiều phụ huynh coi kỳ thi vào 10 là cánh cửa duy nhất để đi tiếp là không đúng và vô tình đẩy những đứa trẻ vào nỗi lo âu, căng thẳng không đáng có.
Chương trình học của nam sinh song song cả văn hóa và nghề. (Ảnh: Toàn Vũ)
Tường An thích sáng tạo từ nhỏ. (Ảnh: Toàn Vũ)
Sau một năm học ở cao đẳng nghề, chị Hoa nhận thấy, con trai mình có nhiều tiến bộ. Cậu chủ động hơn trong việc học.
"Tường An được học theo chương trình chuyên nghiệp, buổi sáng học văn hóa, buổi chiều học nghề. Các thầy cô sẽ định hướng để con chủ động nghiên cứu, tìm tòi. Phương pháp học giống với phương pháp học của sinh viên nên con rất hứng thú", chị Hoa chia sẻ.
Nam sinh vừa tham gia thiết kế cho một sự kiện truyền thông. (Ảnh: Toàn Vũ)
Vừa qua, qua một người quen giới thiệu, Tường An nhận được một gói thiết kế standee (biển dựng quảng cáo), thiệp mời… cho một sự kiện truyền thông.
Cậu bé 16 tuổi nhận được 5 triệu đồng tiền công. Mới đầu, Tường An dự định dùng số tiền này để đổi điện thoại nhưng sau khi suy tính lại, cậu đã dành biếu mẹ để mẹ mua thuốc bổ.
Thời gian rảnh, cậu bé giúp mẹ làm việc nhà. (Ảnh: Toàn Vũ)
Nhận được món quà bất ngờ từ cậu con trai, chị Hoa chia sẻ, bản thân rất vui nhưng cũng luôn nhắc nhở con không nên đặt nặng chuyện kiếm tiền quá sớm. Chị khuyên con chỉ nên coi đây là cơ hội cọ xát, thực hành và hoàn thiện thêm các kỹ năng được học ở trường nghề.
Khi được hỏi về tương lai của con, người mẹ này chia sẻ bản thân cảm thấy khá an tâm. "Tôi nghĩ, học nghề này, nếu con quyết tâm và kiên trì thì sẽ không thiếu cơ hội tìm việc.
Các trường nghề giờ đây luôn cập nhật yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp nên đào tạo rất sát với thực tế. Vậy nên, tôi tin vào những cơ hội trong tương lai", chị Hoa nói.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh nhiều sinh viên thất nghiệp, nhiều bạn trẻ ra trường phải đi làm công nhân, chạy xe ôm, một số phải chuyển hướng đi học nghề... thì những câu chuyện như của Tường An rất đáng để tham khảo. Lựa chọn học nghề cũng sẽ mở ra nhiều lựa chọn, nhiều vị trí cho các bạn trẻ chứ không nhất thiết phải học phổ thông, đại học hay cao học.
_Dân Trí_
Bài viết liên quan