Tận dụng nguồn lực từ hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn
Việt Nam đang nổi lên như một thị trường trọng điểm sản xuất chất bán dẫn lớn trên toàn cầu. Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tận dụng nguồn lực đầu tư quốc tế, cũng như sự hỗ trợ từ Chính phủ và Luật Thủ đô (sửa đổi) để nâng cấp cơ sở vật chất, giáo trình, giáo viên phục vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao, đón làm sóng đầu tư nước ngoài đang đổ dồn về Việt Nam trong ngành công nghệ bân dẫn. Phóng viên Nghề nghiệp và Cuộc sống đã có cuộc phỏng vấn Thầy Trần Thanh Bình – Phó Hiệu trưởng nhà trường xung quanh vấn đề này.
Phó hiệu trưởng Trần Thanh Bình |
PV: Mùa tuyển sinh 2024, rất nhiều trường mở thêm mã ngành đào tạo về công nghệ bán dẫn và tuyển sinh với số lượng khá lớn. Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội thì sao, thưa thầy?
Thầy Trần Thanh Bình: CĐN Công nghiệp Hà Nội là cơ sở giáo dục công lập có thế mạnh đào tạo về công nghiệp, công nghệ, kỹ thuật. Nhà trường đã được Chính phủ và Thủ đô đầu tư là trường chất lượng cao, trong đó có nhiều ngành, nghề được đầu tư trọng điểm cấp độ quốc tế và khu vực. Do vậy, phía nhà trường luôn đi đầu, tiên phong trong giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nhân tài cho Thủ đô và đất nước.
Đối với việc đào tạo ngành công nghệ bán dẫn, đội ngũ giảng viên nhà trường đã được đào tạo bài bản ở Đức, Phần Lan, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Về cơ sở vật chất, trường đã xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Đào tạo sản xuất thông minh.
Nhà trường vẫn đang tiếp tục được nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị, đào tạo đội ngũ, chuyển đổi số, phát triển chương trình, giáo trình; về hợp tác quốc tế và đang tích cực cùng các trường Đại học phát triển chương trình, giáo trình, chuyển giao công nghệ, thiết bị để phù hợp với mô hình đào tạo kết hợp này. Hiện nay nhà trường đã sẵn sàng đón sinh viên và đào tạo từ ngày 01/8/2024 tới.
PV: Nhà trường có những chính sách nào để cạnh tranh cũng như thu hút các bạn trẻ đăng ký theo học ngành này?
Thầy Trần Thanh Bình: Như chúng ta đã biết, Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã yêu cầu “Tập trung đào tạo 50.000 – 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030”.
Ngay từ năm học 2023 – 2024 Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội đã hợp tác với các trường Đại học hàng đầu của Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc về đào tạo kỹ sư công nghệ bán dẫn, kỹ sư tự động hóa, kỹ sư công nghệ kỹ thuật điện tử; đồng thời cử nhiều lượt giảng viên sang Trung Quốc và Đài Loan để tiếp cận công nghệ, phát triển chương trình, giáo trình đào tạo để tích hợp vào chương trình đào tạo của nhà trường ngay từ năm học 2024 – 2025 này.
Ngoài chính sách hợp tác với các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục quốc tế cấp học bổng đào tạo cho sinh viên ngành công nghệ bán dẫn tại nước ngoài, trường còn có các chính sách hỗ trợ, thu hút sinh viên theo học ngành này như: giảm học phí, cấp học bổng học tập cho sinh viên tài năng; đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm miễn phí; thực tập sản xuất có hưởng lương, bố trí việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp…
Đoàn lãnh đạo CĐN Công nghiệp Hà Nội tham quan, học tập kinh nghiệm tại doanh nghiệp ở Trung Quốc |
PV: Thầy có thể nói cụ thể hơn về việc hợp tác với các trường đại học, doanh nghiệp trong và ngoài nước?
Thầy Trần Thanh Bình: Hiện nay các bằng sáng chế về lĩnh vực công nghệ bán dẫn và doanh thu nhiều tỷ đô la từ ngành này tập trung hầu hết ở Hoa Kỳ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu.
Thực hiện chủ trương của Trung ương và Thành phố Hà Nội, nhà trường đã tiên phong đi đầu thực hiện đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành công nghệ bán dẫn ngay từ năm học 2024 – 2025. Để chuẩn bị cho việc đào tạo nhà trường đã triển khai hoạt động trung tâm đào tạo công nghệ cao về sản xuất thông minh, đầu tư mua sắm thiết bị, cử giảng viên đi học, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tiếp nhận chương trình, giáo trình từ nước ngoài.
Với mục tiêu đào tạo nhân lực theo định hướng nghề nghiệp, định hướng ứng dụng theo vị trí việc làm của ngành công nghệ bán dẫn, nhà trường đã phối hợp với các trường Đại học của Đài Loan, Trung Quốc đào tạo sinh viên theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2,5 năm/96 tín chỉ), đào tạo tại Việt Nam, sinh viên được đào tạo về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng số, kỹ năng xanh để đạt trình độ cao đẳng; Giai đoạn 2 (2 năm/64 tín chỉ), đào tạo tại Đài Loan theo chương trình học bổng chuyên ban dành cho sinh viên CĐN Công nghiệp Hà Nội. Sinh viên được nhận song song 2 học bổng đào tạo kỹ sư Chất bán dẫn – Thông tin điện tử của Chính phủ Đài Loan và của doanh nghiệp.
PV: Có ý kiến lo ngại hiệu quả của việc đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn. Nhà trường có tính tới việc đảm bảo cho các kỹ sư này làm đúng ngành nghề sau khi ra trường?
Thầy Trần Thanh Bình: Ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đã và đang chứng minh tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Theo đó, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn như Intel, Synopsys, Infineon, Hana, Amkor, Samsung…, đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại nước ta.
Xác định khâu khó khăn nhất để đào tạo ngành công nghệ bán dẫn là về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, phòng thí nghiệm, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ đào tạo. Do vậy, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo sinh viên từ 2 đến 2,5 năm, tương ứng với trình độ cao đẳng tại Việt Nam sau đó tạo điều kiện cho các em sang Đài Loan học chuyên sâu trong vòng 2 năm để lấy bằng kỹ sư.
Trong quá trình học, sinh viên sẽ được thực hành tại các doanh nghiệp về thiết kế vi mạch, sản xuất bán dẫn, kiểm thử đảm bảo, đóng gói vi mạch. Sau đó sinh viên có thể ở lại Đài Loan tiếp tục làm việc hoặc về Việt Nam để tham gia ngay vào thị trường lao động chất lượng cao là công nghệ bán dẫn đang khan hiếm hiện nay.
PV: Việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, đào tạo nhân lực ngành bán dẫn như thầy nói là rất lớn. Vậy nhà trường giải “bài toán” nguồn lực đầu tư này như thế nào?
Thầy Trần Thanh Bình: Như đã đề cập ở trên, việc đào tạo nhân lực ngành công nghệ bán dẫn cần đầu tư rất lớn nguồn lực về cơ sở vật chất, thiết bị, hệ thống hạ tầng cứng và mềm; đội ngũ nhà giáo, chương trình, giáo trình…
Bên cạnh đó, ngoài việc tranh thủ sự ủng hộ, đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị của nhà nước, đặc biệt là các chính sách của Luật thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo động lực cho GDNN Hà Nội phát triển, nhà trường cũng nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế về đào tạo đội ngũ nhà giáo, chuyển giao chương trình, giáo trình đào tạo và tiến tới hỗ trợ về thiết bị, công nghệ để chúng tôi có thể đào tạo các mô-đun chuyên sâu tại trường.
Ngoài ra, chúng tôi còn tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất thông minh, sản xuất bán dẫn trong và ngoài nước để sinh viên được học, thực tập thực tế tại hiện trường sản xuất, định hướng đầu ra sau tốt nghiệp cho sinh viên và tăng cường năng lực về thiết bị đào tạo.
Đoàn lãnh đạo CĐN Công nghiệp Hà Nội tham quan, học tập kinh nghiệm tại doanh nghiệp ở Trung Quốc |
PV: Theo thầy đánh giá đâu là những khó khăn trong đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn những năm tới?
Thầy Trần Thanh Bình: Hiện nay, như tôi được biết Việt Nam đang có 5.575 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Trong khi đó, dự báo mỗi năm chúng ta cần từ 5.000 đến 10.000 kỹ sư về lĩnh vực này.
Để việc đào tạo đảm bảo về số lượng và chất lượng, cần có kế hoạch đào tạo dựa trên khung trình độ quốc gia và vị trí công việc (thiết kế, sản xuất, kiểm thử, đóng gói, vận hành thiết bị bán dẫn…).
Khó khăn lớn nhất là giải được các bài toán về cơ chế chính sách; cơ sở hạ tầng cứng và mềm, cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ nhà giáo; chương trình, giáo trình và sự vào cuộc của các doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn trong đào tạo nguồn nhân lực.
Nguồn: Theo Diệu Linh - Tạp chí điện tử Nghề nghiệp & Cuộc sống
Bài viết liên quan