Một số điểm mới của Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP về công tác pháp chế
Với nhiều điểm mới, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ và thực tiễn, Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 của Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, tiêu chuẩn, chế độ cho người làm công tác pháp chế cũng như yêu cầu thực tiễn công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật trong tình hình mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác pháp chế.
Quy định cụ thể chức danh, tiêu chuẩn ngạch pháp chế viên
Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 56/2024/NĐ-CP).
Nghị định số 56/2024/NĐ-CP gồm 4 điều trong đó sửa đổi, bổ sung 10 điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; tập trung chủ yếu sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở bộ, cơ quan, ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước, tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế. Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung một số nội dung để quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong công tác pháp chế.
Trong đó, đáng chú ý, Nghị định số 56/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 12 của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP để quy định về chức danh, tiêu chuẩn ngạch pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp. Theo Nghị định, pháp chế viên là công chức pháp chế, được bổ nhiệm vào ngạch pháp chế viên để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế theo quy định của pháp luật. Ngạch pháp chế viên bao gồm pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp.
Theo Nghị định, các tiêu chuẩn chung để được bổ nhiệm ngạch pháp chế viên, pháp chế viên chính và pháp chế viên cao cấp bao gồm là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; có trình độ cử nhân luật trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế và chứng chỉ khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Ngoài các tiêu chuẩn nói trên, đối với pháp chế viên, cần có ít nhất 2 năm được tính cộng dồn thực hiện một trong các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Nghị định, không kể thời gian tập sự. Để được bổ nhiệm vào ngạch pháp chế viên chính, phải có thời gian giữ ngạch pháp chế viên hoặc tương đương tối thiểu là 9 năm; trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch hoặc được xét nâng ngạch từ pháp chế viên lên pháp chế viên chính hoặc được xét chuyển ngạch theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Còn với pháp chế viên cao cấp, phải có thời gian giữ ngạch pháp chế viên chính hoặc tương đương tối thiểu là 6 năm; trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch hoặc được xét nâng ngạch từ pháp chế viên chính lên pháp chế viên cao cấp hoặc được xét chuyển ngạch theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Thực tế cho thấy, đối với người làm công tác pháp chế, để phát huy hơn nữa vị trí, vai trò “lăng kính pháp lý” của mình, ngoài năng lực, trình độ chuyên môn, nhất là kỹ năng phát hiện, giải quyết vấn đề ở góc độ pháp lý thì cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng để bảo đảm tính khách quan, công tâm trong quá trình tham mưu, thực hiện nhiệm vụ. Việc quy định rõ tiêu chuẩn ngạch pháp chế viên như trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, phòng, chống việc “cài cắm” lợi ích trong quá trình xây dựng pháp luật, bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết 27-NQ/TW đề ra là nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Tạo điều kiện thu hút nguồn lực làm công tác pháp chế
Về chế độ hỗ trợ đối với công chức làm công tác pháp chế, Nghị định số 56/2024/NĐ-CP bổ sung quy định căn cứ vào vị trí việc làm về nghiệp vụ chuyên môn pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính, người làm công tác pháp chế ở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được hưởng mức hỗ trợ là 60.000 đồng/ngày làm việc, ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được hưởng mức hỗ trợ là 40.000 đồng/ngày làm việc.
Chế độ hỗ trợ này được áp dụng cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập vận dụng chế độ hỗ trợ nêu trên để quyết định các chế độ đối với người làm công tác pháp chế.
Trên thực tế, công việc của pháp chế từ trung ương đến địa phương với 9 nhóm nhiệm vụ cơ bản, từ xây dựng, hoạch định chính sách pháp luật đến tổ chức thi hành pháp luật. Thời gian qua, việc chế độ đãi ngộ chưa tương xứng dẫn đến khó thu hút, giữ chân được cán bộ giỏi, có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực này tuy đã được đề cập nhưng chưa được tháo gỡ. Chính vì vậy, việc bổ sung quy định chế độ hỗ trợ đối với người làm công tác pháp chế sẽ góp phần thu hút nguồn lực làm công tác pháp chế, nâng cao vị thế, vai trò của công tác pháp chế, chất lượng đội ngũ người làm công tác pháp chế.
Ngoài ra, Nghị định cũng đã quy định về tiêu chuẩn của người đứng đầu tổ chức pháp chế nhằm tiếp tục chuẩn hóa người đứng đầu tổ chức pháp chế; sửa đổi, bổ sung một số nội dung về tổ chức bộ máy pháp chế cho phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan…
Thực hiện: VHTT
Bài viết liên quan