Trường cao đẳng nghề công nghiệp hà nội: năm 2021 sẽ tự chủ 100% chi thường xuyên
(TBTCVN) - Năm 2020, trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã tự chủ được 70% chi thường xuyên. Nhà trường phấn đấu đến năm 2021 sẽ tự chủ được 100% chi thường xuyên. Để thực hiện mục tiêu này, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp để mở rộng nguồn thu, triệt để tiết kiệm chi.
Học viên thực hành tại Xưởng Công nghệ ô tô và An toàn xây dựng công nghiệp của Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội
Hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp
Bà Phạm Thị Hường– Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội, trong năm nay, nhà trường phải thực hiện tự chủ 70% chi thường xuyên, tương đương với việc nhà trường phải thu được 20 tỷ đồng trong năm để đảm bảo chi lương và các hoạt động. Nguồn thu của nhà trường hiện nay chủ yếu từ nguồn thu học phí các lớp học chính khóa và các lớp đào tạo ngắn ngày cho doanh nghiệp. Do đó, với yêu cầu của thành phố là nhà trường phải nâng mức tự chủ, tiến tới tự chủ 100% chi thường xuyên vào năm 2021, vì vậy nhà trường cần tìm cách để mở rộng nguồn thu, triệt để tiết kiệm chi.
Cụ thể, đối với việc mở rộng nguồn thu, nhà trường tận dụng thế mạnh của trường để thu hút tuyển sinh. Theo đó, sinh viên của trường ngoài được học các chương trình chính khóa, còn được đào tạo và cấp chứng chỉ miễn phí về an toàn lao động, được đào tạo về kỹ năng mềm theo chương trình đào tạo do Hàn Quốc tài trợ. Sinh viên theo học tại trường được cam kết đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp. Ngoài ra, trong quá trình học, sinh viên được hỗ trợ tìm việc làm thêm… Nhờ các hoạt động thu hút tuyển sinh, trong 2 năm gần đây, năm nào nhà trường cũng tuyển được hơn 1.000 sinh viên hệ cao đẳng, vượt chỉ tiêu tuyển sinh. Số lượng học tập tại trường trung bình khoảng 3.000 sinh viên. Nhờ đó nguồn thu của nhà trường luôn được đảm bảo.
Cũng theo bà Hường, hợp tác đào tạo với doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nguồn thu của trường. Hiện nay, nhà trường có quan hệ với gần 300 doanh nghiệp trên khắp cả nước. Nhà trường đang trực tiếp cung cấp nhân lực cho các tập đoàn, công ty lớn như Sam Sung, Công ty Kim khí Thăng Long, Công ty cổ phần Huyn Dai Thành Công, Công ty cổ phần Huyn Dai Đông Nam,…
“Việc hợp tác với doanh nghiệp đem lại nhiều lợi thế cho nhà trường, giúp nhà trường thực hiện được cam kết đảm bảo việc làm cho sinh viên. Hợp tác với doanh nghiệp là điểm thu hút sinh viên đăng ký vào học, giúp nhà trường tiến tới tự chủ”- bà Hường cho biết.
Cũng theo bà Hường, trong thời gian sinh viên đi thực tập 5 tháng và tại doanh nghiệp, nhà trường không phải chi phí cho đội ngũ nhà giáo, không mất chi phí vật tư máy móc, nhà xưởng, sinh viên lại được trả lương. Cứ 5 tháng sinh viên đi thực tập thì giảm được 10% chi phí chi thường xuyên. Ngoài ra, khi nhà trường ký hợp đồng đào tạo với doanh nghiệp, nhà trường còn nhận được chi phí quản lý, bao gồm quản lý học sinh, sinh viên, hỗ trợ cho các em về phần lý thuyết ngoài phần hướng dẫn thực hành của doanh nghiệp.
Quản lý chặt chẽ các khoản chi
Cùng với phát triển các nguồn thu, nhà trường cũng triệt để tiết kiệm các khoản chi. Theo bà Hường, việc thực hiện tự chủ của nhà trường gặp nhiều khó khăn do số lượng cán bộ, giảng viên lớn. Nếu như trước kia, nhà trường khoán một số hoạt động đào tạo cho các khoa, cho phép các khoa tự chủ thu chi thì hiện nay, tất cả các khoản thu đều nhập vào quỹ trường để đảm bảo chi lương cho toàn thể cán bộ, giảng viên.
“Tôi đã nói với cán bộ trong trường là nhà trường không còn nhiều “túi”, chỉ còn “túi” duy nhất là quỹ trường, đầu tiên phải dùng cho chi lương, sau đó mới chi các việc khác”- bà Hường cho biết.
Bà Hường cũng cho biết, hiện tại nhà trường chỉ đảm bảo lương cho cán bộ nhân viên mà không có thu nhập tăng thêm. Trong thời điểm này, nếu không “sống” được thì trường sẽ phải giải thể, sáp nhập nơi khác. Do vậy, “đây là những bước đi khó khăn nhất trong giai đoạn nhà trường chuyển từ cơ chế bao cấp sang tự chủ, chắc chắn phải đi đúng hướng, trước hết phải giữ được trường, sau đấy mới tiếp tục phát triển”- bà Hường chia sẻ.
Ngoài tiết kiệm các khoản chi, nhà trường cũng rà soát lại các vị trí việc làm để tinh giản biên chế, cắt giảm những bộ phận dôi dư, làm việc không hiệu quả, không tuyển nhân sự mới. Khối giáo viên phải tăng giờ dậy, khối văn phòng phải làm việc với cường độ cao hơn.
Để thực hiện tự chủ, nhà trường sẽ đẩy mạnh tuyển sinh, tiết kiệm chi tiêu, tinh giản biên chế. Những năm đầu sẽ khó khăn, nhưng xu thế tự chủ là tất yếu. Tôi nghĩ rằng cũng nên như thế vì Nhà nước không thể bao cấp mãi được, không cho tự chủ sẽ tạo sức ì, không tận dụng được thế mạnh của các đơn vị có năng lực, có cố gắng”- bà Hường nêu quan điểm.
Bà Hường đề nghị, Nhà nước có cơ chế cởi mở hơn về các chính sách hành chính, ví dụ như quy định mở mã ngành, mã nghề, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, nhu cầu của thị trường lao động biến đổi không ngừng, năm nay tuyển sinh ngành này nhưng năm sau lại không tuyển sinh được nữa. Do đó, Nhà nước nên tạo điều kiện để các trường nhanh chóng chuyển đổi mã ngành, mã nghề, như thế mới thu hút được học sinh đăng ký tuyển sinh, nếu để chậm trễ thì sẽ rất khó khăn.
“Với mô hình 9+, theo quy định hiện nay, chỉ miễn học phí cho học sinh có hộ khẩu Hà Nội, còn các em học sinh ở tỉnh khác học tại Hà Nội thì vẫn nộp học phí rồi lại về tỉnh mình nhận tiền. Nhiều em sợ nộp tiền rồi không nhận lại được, thủ tục nhận lại tiền mất nhiều thời gian. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, nên có cơ chế hỗ trợ cho các em ngoại tỉnh, để các em không phải nộp học phí như những học sinh trên địa bàn”.
Bà Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội
Bùi Tư
Bài viết liên quan