Nữ hiệu trưởng trường nghề thành công trong cơ chế tự chủ
Nữ hiệu trưởng trường nghề thành công trong cơ chế tự chủ
Với vai trò là người quản lý, cô giáo Phạm Thị Hường đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công mô hình trường học theo cơ chế tự chủ, góp phần giữ vững danh hiệu trường cao đẳng chất lượng cao, đào tạo theo chuẩn khu vực ASEAN.
Nữ hiệu trưởng năng động
Năm 2009, cô giáo Phạm Thị Hường về công tác tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Với tinh thần ham học hỏi lại cần cù, chịu khó nên trong những năm công tác tại đây cô đã gặt hái được nhiều thành tích, được các cấp, ngành ghi nhận, đánh giá cao.
Theo Quyết định số 1075/QĐ-UBND ngày 16-3-2020 của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã ký quyết định bổ nhiệm ThS Phạm Thị Hường, Phó hiệu trưởng Phụ trách giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.
Là một trong những nữ lãnh đạo trẻ nhưng đã gắn bó gần 20 năm nên trên chặng đường 48 năm xây dựng và phát triển của trường, hơn ai hết cô là người hiểu rõ nhất từ khó khăn từ ngày đầu thành lập.
Cô giáo Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. |
Cô giáo Phạm Thị Hường chia sẻ: “Ngày 22-11-1974, Trường Đào tạo Công nhân Kỹ thuật Cơ khí Điện Hà Nội (nay là Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội) chính thức được thành lập, sáp nhập từ 5 trường (Trường Trung cấp Công nghiệp Hà Nội, Trường Trung cấp Cơ khí Điện Hà Nội, Trường Trung cấp Thủ công Mỹ nghệ Hà Nội, Trường Trung cấp Đồng hồ điện tử - Tin học và Trường Trung học Công nghiệp Hà Nội). Từ ngôi trường chỉ có 13 cán bộ giáo viên, trong những ngày đầu thành lập, khi ấy trường phải đi mượn địa điểm trường cấp 1 Võ Thị Sáu (phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm), đến nay, nhà trường đã có một khuôn viên thoáng mát với đầy đủ các phòng học, phòng chức năng và trang thiết bị hiện đại với 185 cán bộ giảng viên và hơn 4.000 sinh viên”.
Được hợp nhất từ 5 trường trung cấp nghề khác nhau nên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức cũng như thống nhất, đổi mới các ngành nghề đào tạo. Tuy nhiên, với sự quyết tâm và bản lĩnh của Ban giám hiệu, sự đồng lòng của tập thể cán bộ, công nhân viên nhà trường, bộ máy tổ chức nội bộ cơ bản đã ổn định; tạo tiền đề để nhà trường phát triển không ngừng, tiêu biểu là quyết tâm thực hiện cơ chế tự chủ trường đại học thành công.
Theo cô giáo Phạm Thị Hường, quy mô đào tạo của nhà trường liên tục được mở rộng với 24 ngành nghề đào tạo ở cả 3 hệ: Cao đẳng, trung cấp và sơ cấp; đào tạo theo chuẩn khu vực ASEAN. Ngoài ra, có hai nghề được nhà trường lựa chọn đào tạo theo chuẩn quốc tế là kỹ thuật máy lạnh điều hòa không khí và cơ điện tử.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà trao Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ tặng Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội. |
Cô giáo Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng nhà trường (bên phải ngoài cùng) và 2 giảng viên vinh dự đón nhận Bằng khen của Chính phủ nhân dịp năm học 2022 - 2023. |
Từ khi chuyển sang cơ chế tự chủ, công tác tuyển sinh vượt 120% so với năm học trước, với hơn 2.000 học sinh, sinh viên đăng ký theo học. Trước đó, năm học 2019-2020 chỉ tuyển được 1.000 sinh viên; chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao với 3 cấp trình độ: 14 chuyên ngành đào tạo Cao đẳng, 12 chuyên ngành đào tạo Trung cấp và nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn, liên kết… đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Hàng năm có 500-700 lượt sinh viên tham gia các chương trình giao lưu, trao đổi, với sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trong nước, nhà trường còn liên kết với các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp ở nước ngoài để cử học sinh đi thực tập sinh tại các trường nghề của Nhật Bản, Hàn Quốc.....
“Trình độ của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là về chất lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, kiến thức, kỹ năng đạt chuẩn quốc tế. Số cán bộ giảng dạy chiếm 75% tổng số cán bộ. Tỷ lệ cán bộ giảng dạy có trình độ sau đại học là 60%. Tỉ lệ cán bộ, giáo viên có trình độ tiến sĩ trở lên đạt 10%, 100% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và năng lực quản lý theo các tiêu chuẩn quản trị tiên tiến, tối thiểu 50% cán bộ quản lý sử dụng tốt tiếng Anh trong công việc và giao tiếp”, cô Hường nhấn mạnh.
Quyết tâm đổi mới
Cô giáo Phạm Thị Hường bộc bạch: “Người ta vẫn hay nói “vạn sự khởi đầu nan”, áp lực của người đứng đầu lại càng lớn nên tôi không cho phép “bại”. Điều tôi nghĩ tới đầu tiên chính là tiên phong “vượt rào” dám đổi mới, quyết tâm đổi mới. Nền tảng từ ngôi trường với bề dày 48 năm xây dựng và phát triển cùng với Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã cho phép trường chúng tôi chủ động trên nhiều phương diện: Xây dựng giáo trình, chương trình, chuyển giao khoa học, bảo đảm đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, đáp ứng các điều kiện theo quy định; được tự chủ trong hoạt động thu, chi theo quy định…”.
Năm 2020, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã tự chủ được 70% chi thường xuyên. Nhưng đến năm 2021, trường đã tự chủ được 100% chi thường xuyên, điều đó cho thấy sự thành công khi áp dụng thực hiện nhiều giải pháp để mở rộng nguồn thu, triệt để tiết kiệm chi.
Từ ban giám hiệu cho đến cán bộ, giảng viên của trường đều phải thực hiện công tác tuyển sinh đó cũng chính là thế mạnh và mở rộng nguồn thu cho nhà trường. “Sinh viên theo học tại trường được cam kết đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp hoàn toàn 100%. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được hỗ trợ tìm việc làm thêm khi đang ngồi trên ghế nhà trường, nhất là đúng ngành nghề theo học”, cô Hường nói.
Ngoài nâng cao chất lượng đào tạo, đội ngũ giáo viên thì vấn đề cô Hường chú trọng chính là hợp tác đào tạo với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện nay, 300 doanh nghiệp trên khắp cả nước như Samsung, Công ty Kim khí Thăng Long, Công ty cổ phần Hyundai Thành Công, Công ty cổ phần Hyundai Đông Nam… đều đặt hàng trước số lượng sinh viên đang theo học của nhà trường. Trong thời gian sinh viên đi thực tập nhà trường sẽ giảm chi phí vật tư máy móc, nhà xưởng, sinh viên lại được trả lương trong 5 tháng tại doanh nghiệp; nhà trường còn nhận được chi phí quản lý, bao gồm quản lý học sinh, sinh viên, hỗ trợ cho các em về phần lý thuyết ngoài phần hướng dẫn thực hành của doanh nghiệp.
Sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội trong giờ lên học và thực hành. Ảnh: P.T.H |
Để có thể thực hiện tốt việc tự chủ cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là các trường Cao đẳng, Trung cấp thì hiệu trưởng có vai trò vô cùng quan trọng. Người cầm lái “con tàu đổi mới” khi đó chính là nhân tố quan trọng quyết định sự “sống - còn” của nhà trường khi đã tự chủ, nếu không làm tốt có thể dẫn đến “xóa sổ” trường. Bởi lẽ, tuyển sinh đầu vào kém, nguồn thu không tốt sẽ dẫn tới giải thể và bị sáp nhập, nguồn thu không đảm bảo sẽ khiến cho thu nhập giảng viên kém và mất đội ngũ nhân sự có chất lượng, cơ sở vật chất không đầu tư, chất lượng đào tạo kém thì sinh viên sẽ không vào. Ngoài tiết kiệm các khoản chi, nhà trường cũng rà soát lại các vị trí việc làm để tinh giản biên chế, cắt giảm những bộ phận dôi dư, làm việc không hiệu quả, không tuyển nhân sự mới. Khối giáo viên phải tăng giờ dạy, khối văn phòng phải làm việc với cường độ cao hơn. Khi đã tự chủ hoàn toàn, trường không nhận kinh phí chi thường xuyên mà sẽ dùng nguồn kinh phí của nhà trường (nguồn thu từ việc tuyển sinh, đặt hàng của doanh nghiệp, hỗ trợ quản lý sinh viên cho doanh nghiệp...) để thu chi phù hợp.
Có thể thấy, cô giáo Phạm Thị Hường đã tiên phong dám nghĩ, dám làm cùng toàn thể cán bộ, giảng viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội thực hiện kế hoạch đổi mới tự chủ trường học thành công; chắc chắn nhà trường sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai và giữ vững danh hiệu Trường Cao đẳng chất lượng cao, đào tạo theo chuẩn khu vực ASEAN; trở thành một trường Cao đẳng trọng điểm về đào tạo nghề Công nghiệp của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Nguồn: Nữ hiệu trưởng trường nghề thành công trong cơ chế tự chủ (qdnd.vn)
Bài viết liên quan