Doanh nghiệp vào trường để đào tạo nghề
Kinhtedothi - Doanh nghiệp mang thiết bị đến trường nghề, hai bên cùng hợp tác đào tạo để có đội ngũ kỹ thuật viên, tốt nghiệp ra trường được tuyển dụng ngay.
Đây là giải pháp mới của các DN nhằm tạo nguồn lao động. Trường Cao đẳng nghề (CĐN) Công nghiệp Hà Nội cũng là cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiên phong đi theo xu hướng này.
Mang thiết bị hiện đạiđến trường nghề
Chia sẻ về nhà trường hợp tác giữa hai bên, Phó Hiệu trưởng Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Huy cho hay: nhà trường đã xây dựng một Trung tâm Hỗ trợ việc làm và hợp tác DN với mạng lưới khoảng 300 công ty, trong đó có nhiều đơn vị hỗ trợ cho trường. Trước đây, nhà trường gửi sinh viên đến DN thực tập; sau đó tiến thêm một bước là gắn kết với DN và đào tạo theo đơn đặt hàng của họ.
Từ năm 2022 trở lại đây, Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội xây dựng chương trình đào tạo gắn kết với DN, trong đó DN mang thiết bị đến nhà trường và cùng đào tạo sinh viên.
Cùng với việc phối hợp với DN đưa thiết bị về trường đào tạo, nhà trường còn xây dựng trung tâm đào tạo công nghệ cao. Qua đó, một số DN đã đưa thiết bị công nghệ mới ứng dụng công nghệ thông tin, 4.0, công nghệ IoT, AI và tiến tới là trí tuệ nhân tạo cũng được cập nhật vào chương trình đào tạo của trường. Hiện nay, trong chương trình đào tạo chính khóa của trường có 6 - 8 modun môn học của DN; sau khi sinh viên học xong các modun chính của chương trình nhà trường xây dựng, sẽ học thêm số modun này của DN thì các em sẽ đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng ở vị trí kỹ thuật viên.
Phó Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Phan Văn Vượng hướng dẫn sinh viên môn Lập trình điều khiển robot. Ảnh: Trần Oanh
Hiện có 2 DN lớn là Công ty TNHH Công nghệ COWAIN Việt Nam và Công ty Justech Precision Industry Việt Nam phối hợp cùng Công ty TNHH Công nghệ Tô Châu FUNA - AI Việt Nam mang các thiết bị công nghệ hiện đại có tổng giá trị lên tới 75 tỷ đồng đến xưởng của Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội để lắp đặt, phục vụ đào tạo nghề cho sinh viên.
Ông Wuzin là kỹ sư cao cấp và kỹ sư Leo Văn Tứ cùng phụ trách đào tạo của Công ty TNHH Justech (chuyên về hệ thống tích hợp và nghiên cứu công nghệ) đang hướng dẫn sinh viên thực hành tại xưởng của trường cùng chia sẻ: trước đây, Justech tuyển sinh viên ở bên ngoài có kinh nghiệm nhưng chất lượng không bằng những bạn đã qua trường lớp này. Khi nhà trường và DN cùng đào tạo thì các bạn có ý thức tốt hơn, được trang bị kỹ năng cơ bản. Các bạn sẽ phát huy những kỹ năng được học và phát triển bản thân tốt hơn.
“Với sự phối hợp nhà trường với DN, chỉ từ 15 ngày đến 1 tháng, sinh viên biết được những điều cơ bản, lắp đặt 5 công trình trạm máy móc chạy hoạt động bình thường. Sau thời gian học tại xưởng của trường, các sinh viên sẽ được đưa đến công ty thực tập để những kỹ sư hướng dẫn làm chi tiết” - kỹ sư Leo Văn Tứ cho hay.
Các bên cùng hưởng lợi
Những người hưởng lợi từ việc DN mang thiết bị dây chuyền mới đến trường học chính là sinh viên. Khi được học lý thuyết - thực hành luôn trên thiết bị hiện đại của DN, sinh viên sẽ dễ hiểu, dễ tiếp cận và có sự vận dụng sáng tạo.
Sau khi học xong chương trình giữa nhà trường và DN xây dựng, sinh viên được đưa xuống xưởng của các công ty thực tập đúng những bài đã học tại trường.
Trần Đức Đạt là sinh viên năm thứ hai khoa Điện - Điện tử, chuyên ngành Kỹ thuật Tự động hóa đang học tại xưởng có thiết bị của Công ty Justech phấn khởi nói: "Tôi rất may mắn khi được công ty đào tạo ở vị trí kỹ thuật viên. Sau khi học lý thuyết, chúng tôi được thực hành trên thiết bị hiện đại nên nắm bắt được nội dung bài học và triển khai rất nhanh… Tôi mong muốn sau khi tốt nghiệp sẽ đi làm nghề Tự động hóa ở vị trí đã được đào tạo".
Là người trực tiếp cùng kỹ sư DN dạy tại xưởng thực hành môn Thị giác công nghiệp, thầy Phan Văn Vượng - Phó Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: khi DN mang thiết bị dây chuyền đến trường, giáo viên được hưởng lợi rất nhiều. Đó là sự am hiểu về thực tiễn, công nghệ để nghiên cứu và phát triển sâu hơn. Khi giáo viên giảng bài có thiết bị máy móc cụ thể và kỹ năng trực tiếp thì sinh viên dễ hiểu hơn. Thầy cô cũng làm chủ được công nghệ để đào tạo sinh viên những khóa tiếp sau.
Khi DN đưa thiết bị hiện đại đến xưởng thực hành, nhà trường sẽ tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng mua mô hình dây chuyền công nghệ, trong khi nguồn lực hạn chế.
“Hiện nay nhà trường hợp tác với DN đưa thiết bị đến, đang thực hiện với các nghề Điện tử công nghiệp, Cơ điện tử, Điện công nghiệp, Tự động hóa. Nhà trường đang đào tạo khóa thứ 6 và đang có 3 khóa thực tập tại DN, các em được công ty trả lương 9 - 12 triệu đồng/tháng. Với sự hợp tác này đã thu hẹp khoảng cách giữa nhà trường với DN. Bởi vì, nhà trường đào tạo sinh viên có những kiến thức và kỹ năng DN cần; sinh viên được học những nội dung sau này sẽ ra làm việc tại DN. Với sự kết nối này, DN có nguồn nhân sự đáp ứng yêu cầu mà không phải đào tạo lại” - Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.
Với xu hướng hợp tác mới giữa nhà trường và DN, lãnh đạo Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội kỳ vọng, kỹ năng tay nghề, đặc biệt là ý thức của sinh viên khi tốt nghiệp đi làm sẽ thay đổi hoàn hoàn. Hiệu trưởng Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường cho biết: các sinh viên khóa 1 đi thực tập ở vị trí kỹ thuật viên có mức lương từ 8 - 12 triệu đồng. Khi các bạn trải qua thời gian thực tập, được đánh giá tốt và có mong muốn làm việc tiếp thì sẽ được DN tuyển dụng trả lương cao hơn.
Trường nghề hợp tác với DN đưa thiết bị đến xưởng thực hành của trường là xu hướng tất yếu, nếu trường nào đi sớm thì sẽ có nhiều học sinh biết đến. Và, khi nhà trường có đầu ra sinh viên tốt thì chắc chắn việc tuyển sinh sẽ bớt khó khăn. Đây cũng là giải pháp để nhà trường đào tạo nhân lực chất lượng cao cho TP Hà Nội và cả nước.
Nguồn:https://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-vao-truong-de-dao-tao-nghe.html
Bài viết liên quan